5 Sai lầm cần tránh ngay trong hồ sơ xin việc
Bạn có thể nhanh chóng bị “bể mánh”. Internet, kiểm tra chéo với người tham khảo và những người làm việc tại công ty của bạn trong quá khứ có thể tiết lộ sự
Với kinh nghiệm nhiều năm quản tri nhân sự cho tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, ông đã chỉ ra những sai lầm của ứng viên khi làm hồ sơ xin việc.
Tôi đã gửi hàng trăm bản sơ yếu lý lịch trong suốt sự nghiệp của mình, xin không biết bao nhiêu loại công việc khác nhau. Ở Google, tôi đã tự mình đọc qua hơn 20.000 hồ sơ. Có lúc chúng tôi nhận được những 50.000 hồ sơ trong một tuần.
Tôi thực sự đã xem qua rất rất nhiều hồ sơ xin việc.
Một số rất xuất sắc, hầu hết thì tạm ổn và còn lại thì thực sự là thảm họa. Phần khó khăn nhất trong suốt 15 năm sự nghiệp của tôi là nhìn thấy ứng viên lặp đi lặp lại những sai lầm này. Và chính điều này ngăn họ có được công việc tốt. Tệ nhất là có những người rất giỏi, thậm chí là xuất chúng, nhưng trong một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt, các nhà tuyển dụng không cần phải xem xét đến chất lượng. Chỉ một sai lầm nhỏ, một người quản lý có thể từ chối một ứng cử viên thú vị.
Tôi biết điều này đã được “nhai đi nhai lại” rất nhiều trên LinkedIn, nhưng tôi vẫn viết ra đây vì tôi chắc chắn với bạn rằng hơn một nửa trong số ứng viên xin việc phạm ít nhất một trong những sai lầm sau. Và tôi thực lòng muốn mọi người tìm được việc chứ không phải bị từ chối.
Với mong muốn giúp đỡ càng nhiều các ứng cử viên vượt qua vòng hồ sơ đầu tiên, tôi liệt kê ra đây năm sai lầm lớn nhất mà mọi người hay mắc phải.
Sai lầm 1: Chính tả
Lỗi này nghe có vẻ đơn giản, dễ tránh, nhưng nó vẫn cứ lặp đi lặp lại liên tục. Một cuộc khảo sát năm 2013 CareerBuilder cho thấy 58% hồ sơ xin việc có lỗi chính tả.
Thực tế, những người cẩn thận chuẩn bị hồ sơ xin việc lại đặc biệt dễ mắc lỗi này vì đó là kết quả của việc chỉnh sửa hồ sơ liên tục hết lần này đến lần khác.
Chủ ngữ và động từ không phù hợp, một khoảng thời gian sai, một địa điểm sai… Tôi thường thấy điều này trong sơ yếu lý lịch của các ứng viên quản trị kinh doanh. Lỗi chính tả sẽ khiến bạn bị đánh giá là thiếu cẩn trọng, không quan tâm đến chất lượng công việc.
Để hạn chế việc này, hãy đọc hồ sơ của bạn từ dưới lên trên: đảo ngược thứ tự bình thường sẽ giúp bạn tập trung vào mỗi dòng. Nếu không, nhờ ai đó đọc lại giúp bạn.
Sai lầm 2 : Độ dài
Một nguyên tắc cần nhớ: bạn chỉ cần một trang hồ sơ cho mỗi mười năm kinh nghiệm làm việc.
Rất khó để đem tất cả vào một trang phải không? Tuy nhiên, một sơ yếu lý lịch ba, bốn hay mười trang sẽ không được đọc cẩn thận. Như Blaise Pascal đã viết: “Tôi muốn viết cho bạn một bức thư ngắn hơn, nhưng tôi không có thời gian”. Một sơ yếu lý lịch sắc nét, tập trung sẽ thể hiện khả năng tổng hợp, các ưu tiên của bạn và truyền đạt hiệu quả các thông tin quan trọng nhất đến nhà tuyển dụng.
Hãy suy nghĩ theo cách này: Mục đích duy nhất của sơ yếu lý lịch là để giúp bạn có được một cuộc phỏng vấn. Nó không giúp thuyết phục nhà tuyển dụng nói “có” với bạn (đó là nhiệm vụ của buổi phỏng vấn). Sơ yếu lý lịch là công cụ giúp bạn có được cuộc phỏng vấn đầu tiên. Đến khi bạn vào phòng phỏng vấn, sơ yếu lý lịch không quan trọng mấy. Vì vậy, hãy cắt ngắn hồ sơ của bạn đi.
Sai lầm 3: Định dạng
Trừ khi bạn đang nộp đơn xin việc với tư cách một nhà thiết kế hoặc nghệ sĩ, bạn chỉ cần làm cho hồ sơ được gọn gàng và dễ đọc. Core chữ nhỏ nhất là size 10, cách lề ít nhất nửa inch, dùng giấy trắng mực đen. Khoảng cách phù hợp giữa các dòng, các cột, có tên và thông tin liên lạc của bạn trên mỗi trang.
Nếu có thể, bạn nên xem lại trong cả Google Docs và Word, sau đó đính kèm file và email và mở ra dưới dạng bản xem trước để kiểm tra. Các định dạng có thể thay đổi tùy từng máy tính nên tốt nhất là bạn lưu hồ sơ dưới dạng một tập tin PDF.
Sai lầm 4: Thông tin bảo mật
Tôi đã từng nhận được hồ sơ của một ứng viên vốn đang làm việc tại một công ty tư vấn hàng đầu. Công ty này đã có một chính sách bảo mật nghiêm ngặt: không bao giờ được chia sẻ tên khách hàng. Trên sơ yếu lý lịch, ứng cử viên đã viết: “Lấy ý kiến cho một công ty phần mềm lớn tại Redmond, Washington”. Tôi từ chối ngay!
Có một mâu thuẫn giữa nhu cầu của người sử dụng lao động (giữ bí mật kinh doanh) và nhu cầu của bạn (đưa ra những thông tin tuyệt vời để kiếm được một công việc tốt hơn).
Các ứng viên thường tìm cách tôn vinh những thành tựu của họ một cách khéo léo để tránh vi phạm thỏa thuận bảo mật. Đó là một sai lầm. Dù ứng cử viên này không đề cập cụ thể đến Microsoft nhưng bất kỳ người xem hồ sơ đều biết nó có nghĩa gì.
Qua một cuộc kiểm kê, chúng tôi thấy có ít nhất 5-10% đơn xin việc tiết lộ thông tin bí mật. Ở vai trò nhà tuyển dụng, tôi không bao giờ thuê những ứng cử viên này trừ khi tôi muốn bí mật thương mại của công ty được gửi qua email cho đối thủ cạnh tranh.
Sai lầm 5: Nói dối
Điều này làm tim tôi tan nát. Bạn không bao giờ nên nói dối trong hồ sơ xin việc. Không đáng chút nào đâu. Bất kỳ ai, ở vị trí nào cũng sẽ bị sa thải vì sai lầm này. Mọi người hay nói dối về bằng cấp, điểm trung bình (ai cũng “vô tình” nâng điểm của mình lên một chút, chẳng ai cố ý hạ xuống cả).
Có 3 vấn đề lớn với việc nói dối:
(1) Bạn có thể nhanh chóng bị “bể mánh”. Internet, kiểm tra chéo với người tham khảo và những người làm việc tại công ty của bạn trong quá khứ có thể tiết lộ sự gian lận của bạn.
(2) Lời nói dối sẽ theo bạn mãi mãi. Nói dối trong hồ sơ, được nhận, 15 năm sau bạn được thăng chức lớn và bị phát hiện? Bạn sẽ bị sa thải ngay. Hãy cố gắng giải thích sự cố này trong cuộc phỏng vấn tiếp theo của bạn nhé.
(3) Cha mẹ đã dạy chúng ta những điều tốt hơn thế. Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc.
Trên đây là những sai lầm khiến hồ sơ xin việc của bạn thất bại. Đừng làm những điều này!
Nhà tuyển dụng phải tìm những người tốt nhất mà họ có thể và phần lớn chúng ta sẽ bị từ chối. Nhưng tin tốt là hầu hết mọi người đều mắc những lỗi này. Thế nên nếu bạn tránh được, hồ sơ của bạn sẽ nổi bật.
Leave a Reply